Sự tích tết Chol Chnam Thmay của đồng bào dân tộc Khmer

by Feng

Ngày xưa có một cậu bé tên Thomabal, rất thông minh, biết đem sự hiểu biết của mình truyền bá cho mọi người. Dân chúng rất thán phục và rất thích nghe cậu thuyết giảng. Tài trí Thomabal ngày càng lan rộng đến tận thượng giới. Các vị thiên thần cũng xuống trần gian xin nghe Thomabal thuyết giảng. Do vậy, những buổi thuyết giảng của thần KaBil Mahaprom trên thượng giới ngày càng vắng vẻ.

sự tích tết chôl chnăm thmây của dân tộc khmer

Thần KaBil Mahaprom rất có uy thế trên thượng giới lấy làm tức giận. Thần đã cho gọi hết các vị thiên thần trở về, cấm không cho xuống trần gian nghe thuyết giảng. Đồng thời thần tìm cách hảm hại Thomabal.

Một hôm, lúc Thomabal đang thuyết giảng cho dân chúng nghe, thần KaBil Mahaprom xuất hiện và phán rằng: “Ta nghe đồn nhà ngươi thông minh xuất chúng, nhưng ta chưa tin điều ấy. Nay ta đặt cho ngươi ba câu đố, nếu ngươi giải đáp đúng ta sẽ cắt đầu của ta cho ngươi. Còn nếu không giải đáp được, thì ngươi phải dâng mạng sống của ngươi cho ta”.
Không thể từ chối, Thomabal đành phải chấp nhận trả lời câu hỏi. Thần KaBil Mahaprom liền đặt câu hỏi :

– Ngươi hãy cho ta biết: “Buổi sáng, duyên của con người nằm ở đâu? Buổi trưa, duyên con người nằm ở đâu? Buổi tối, duyên của con người nằm ở đâu?”

Hỏi xong thần hẹn bảy ngày sẽ trở lại nghe Thom MaBal giải đáp, rồi bay về trời.

Thomabal suy nghĩ suốt ngày, đêm mà vẫn không tìm được câu giải đáp. Đến ngày thứ sáu rồi mà cậu bé vẫn chưa tìm được câu trả lời, cậu đi lang thang từ sáng đến trưa. Quá mệt mỏi và thất vọng, chàng nghỉ mệt dưới tàn cây cổ thụ.

Lúc ấy, trên cây có hai con chim đại bàng đang nói chuyện với nhau. Chim mái hỏi chim trống:

– Ngày mai ta sẽ đi ăn ở đâu ?
– Ngày mai ta sẽ ăn thịt Thom Mabal, chim trống đáp.

Chim mái ngạc nhiên:
– Tại sao ăn thịt Thomabal ?

Chim trống thuật lại chuyện thần KaBil Mahaprom yêu cầu Thomabal phải trả lời câu hỏi thách đố của thần. Nghe xong chim mái hỏi :
– Vậy có ai giải đáp được không?

Chim trống tự đắc đáp: Ta đã nghe thần KaBil Mahaprom nói là:
– Buổi sáng, duyên của con người ở trên mặt, nên ngủ dậy người ta phải rửa mặt cho tươi tỉnh. Buổi trưa, duyên của con người ở trên ngực, nên người ta phải tắm cho mát. Buổi tối, duyên của con người ở dưới bàn chân, nên người ta thường rửa chân cho sạch trước khi đi ngủ.

Thomabal ngồi dưới gốc cây, nghe được lời nói chuyện của đôi chim nên rất mừng rở và trở về nhà.

Đúng hẹn, thần KaBil Mahaprom tay cầm gươm vàng, đáp xuống gặp Thomabal. Y lời chim trống nói hôm qua, Thomabal trả lời ba câu hỏi đó của thần KaBil Mahaprom.

Điều mà Thomabal trả lời hoàn toàn chính xác. Thần KaBil Mahaprom thua cuộc ngửa mặt lên trời gọi bảy người con gái xuống trần gian bảo: “Cha đã thua trí Thomabal rồi. Theo lời hứa, cha phải chết. Các con hãy cất giữ đầu của cha trong tháp trên đỉnh núi Kaylas, nơi người trần không chạm đến được. Các con hãy cẩn thận, nếu để đầu cha rơi xuống biển, biển sẽ cạn, nếu để đầu cha tung lên không trung thì trời không có mưa và nếu để đầu cha trên mặt đất thì đất sẽ khô cằn, cỏ cây không mọc được”.

Dặn các con xong, thần tự cắt cổ trao đầu mình cho con gái lớn và thân của thần biến thành một luồng ánh sáng bay vút lên không trung.

Vị nữ thần để đầu cha trên mâm vàng, cùng sáu cô em đưa vào ngôi tháp xây trong hang thủy tinh trên đỉnh núi KâyLas, trong khu rừng yên tĩnh nhất của dãy Hy Mã Lạp Sơn.

Từ đó về sau, mỗi năm một lần, bảy cô con gái của thần thay phiên nhau mỗi năm một cô xuống trần, vào tháp bưng đầu của cha đến núi Tudi , rước theo hướng Mặt trời đi, vòng quanh chân núi 3 lần trong 60 phút. Cứ theo thứ tự ứng vào mỗi ngày trong tuần lễ, ví như ngày vào năm mới nhằm Chúa Nhật thì đó là do cô con gái lớn tên là TungSa rước, nhằm thứ hai thì sẽ do cô con gái thứ hai ….Ứng với 7 cô tiên nữ này sẽ là những vị Têvôđa của năm đó đem lại niềm hạnh phúc hay sự buồn rầu suốt năm tùy theo tâm tánh của mỗi vị.

Cùng đi theo đoàn có một vị thiên tôn con của Ngọc Đế Indra hướng dẫn một toán chư thần gọi là Têp Nikar Amadek. Các vị thiên tôn con của Ngọc Đế Indra đi theo đám rước đều thay đổi mỗi năm một vị chiếu theo số 12 con giáp trong một kỷ. Qua 12 năm thì vị thứ nhất trở lại. Mỗi vị ăn thực vật, cỡi thú, ăn mặc và sử dụng khí giới khác nhau.

Người ta luận theo những điều ấy mà đoán điều hung kiết cho năm mới.

Cùng với Tết cổ truyền của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, Tết Chol Chnam Thmay của cộng đồng Khmer vẫn còn lưu giữ những phong tục lễ, Tết rất độc đáo. Với họ, tấm lòng kính Phật là một đức tin bất di bất dịch, bởi trong tư duy đơn giản của mọi người, đức Phật từ bi là trên hết.

You may also like

1 comment

Kristin Jordan Tháng mười hai 28, 2023 - 5:39 sáng

Pretty! This was an extremely wonderful post. Many thanks for providing these details.

Reply

Leave a Comment